Những điều mà thực tập sinh tuyệt đối không làm
Thảo luận với người quản lý những khó khăn bạn gặp phải, gửi lá thư cảm ơn cho những ai bạn đã cùng làm việc và đơn xin nghỉ.
Những lời khuyên nên làm dành cho thực tập sinh thì bạn đã làm rồi, vậy còn những lỗi nên tránh thì sao? Bạn có chắc là mình không phạm vào? Muốn biết chính xác thì bạn nên rà soát lại xem bản thân có vướng vào 10 sai lầm này khi làm việc tại công ty hay không.
10 điều phải tránh khi thực tập
1. Trò chuyện quá mức
Làm quen, trò chuyện với đồng nghiệp là điều nên làm nhưng cần biết điểm dừng. Chưa kể là những chủ đề thường đi xa ngoài công việc nên sẽ không ai ủng hộ việc bạn nói xuyên suốt trong lúc người khác cần làm việc của họ. Quan trọng là hoàn thành công việc, giao tiếp có chừng mực.
2. Nhìn đồng hồ đợi giờ ra về
Biểu hiện này thường xuyên cho thấy bạn có phần thiếu tập trung và không có ý định nhận thêm việc. Thời gian thực tập là để bạn mở rộng kỹ năng và khả năng làm việc thực tế. Nên tận dụng tốt cơ hội. Cũng đừng quên sắp xếp đồ đạc trên bàn lại gọn gàng trước khi đi.
3. Tranh công
Bạn là một thành viên trong nhóm và thành quả công việc có được là do sự kết hợp tốt của mọi người. Nếu như phần việc đó do bạn phụ trách chính hoặc nghĩ ra ý tưởng thì sao? Cũng nên khiêm tốn học hỏi. Đừng vội tranh giành công lao mà ảnh hưởng đến cả một kỳ thực tập!
4. Xem nhẹ việc nhỏ
Mới tiếp cận môi trường làm việc thực tế thì phần việc nào dù có hay không liên quan đến lĩnh vực của bạn thì cũng sẽ giúp ích cho sau này. Nếu được giao việc làm thì đừng nên chối từ. Nghiêm túc thực hiện, nghe chỉ dẫn, tập trung làm cho tốt.
5. Không hỏi phản hồi
Cấp trên của bạn ngoài quản lý thực tập sinh thì họ cũng có những việc khác phải hoàn thành. Cho dù biết là bận rộn nhưng bạn cần tìm thời điểm thích hợp để nhờ họ góp ý về những gì bạn làm. Có đánh giá, nhận xét, phê bình, khen ngợi,… thì mới có tiến bộ và thêm động lực cố gắng.
6. Thiếu tôn trọng văn hóa công ty
Quan sát văn hóa công ty từ những ngày đầu để hiểu đúng cách làm việc và cư xử. Dựa vào đó mà bạn biết nên làm thế nào để tránh gây mất thiện cảm. Nên nhớ bạn là người mới, đừng nghĩ đến việc thay đổi hoặc chỉ trích điều mà công ty đã xây dựng! Chỉ được chọn lựa hòa nhập hoặc không mà thôi.
7. Không lịch sự, lễ phép
Hãy xem lại mình đã có những thái độ hoặc hành động nào có vẻ thiếu tôn trọng người khác hay không. Có thể là bạn vô ý nhưng hậu quả thì không hay chút nào đâu! Sẽ khá tệ nếu như một đồng nghiệp hoặc cấp trên có ấn tượng xấu về bạn mà bạn lại chẳng biết.
8. Nói nhiều hơn làm
Cứ mãi lo thể hiện cái “tôi” của mình, không chú tâm lắng nghe, hứa mà không thực hiện được,… là những gì mà thực tập sinh phải tránh. Việc nghe kỹ yêu cầu, chỉ dẫn sẽ không khó nếu như bạn bớt nói lại một chút.
9. Không hiểu trách nhiệm
Bạn có thể nhận thông tin từ nhiều hướng và đối tượng khác nhau. Nhưng khi chính bạn trình bày và phát biểu ý kiến với cấp trên thì bạn là người chịu trách nhiệm cho lời mình nói. Vì vậy mà phải biết chọn người để tin và kiểm tra lại thông tin.
10. Nghỉ việc giữa chừng
Tự ý nghỉ việc mà không có bất kỳ thông báo nào là điều không thể chấp nhận kể cả khi bạn là một thực tập sinh “mới toanh”! Dù xác định là mình không phù hợp để tiếp tục làm việc thì cũng phải chọn cách ra đi của người chuyên nghiệp. Thảo luận với người quản lý những khó khăn bạn gặp phải, gửi lá thư cảm ơn cho những ai bạn đã cùng làm việc và đơn xin nghỉ.
Quý trọng kỳ thực tập
Giai đoạn này được cho là để giúp bạn tăng tự tin, khơi nguồn tiềm năng và thể hiện năng lực trong công việc. Sẽ rất tiếc nếu như chỉ vì những sai lầm mà bạn hoàn toàn có thể tránh lại ảnh hưởng xấu đến quá trình và kết quả sau cùng. Nghiêm túc đặt mình vào vị trí như một nhân viên thật sự của công ty để thêm nhiệt tình, năng nổ khi làm việc độc lập và nhóm.
“Bạn nghĩ mình nhận được những gì sau thời gian thực tập?” Có lẽ đáp án xác thực nhất là khi bạn tự trả lời được câu hỏi này: “Bạn sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu công sức cho công việc thực tập?”.
Leave a Reply